Đà Nẵng: 50% người trưởng thành có tài khoản công dân số

Chủ nhật - 18/06/2023 14:39
Ngày 05/6/2023, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Uỷ ban quốc gia về Chuyển đổi số đã chủ trì phiên họp Uỷ ban quốc gia về Chuyển đổi số tổ chức phiên họp chuyên đề về “Thay đổi căn bản cung cấp dịch vụ công trực tuyến”để nâng cao chất lượng cung cấp và hiệu quả sử dụng. Tại phiên họp, ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng đã trình bày tham luận về “Kinh nghiệm, kết quả triển khai dịch vụ công trực tuyến tại thành phố Đà Nẵng”.
Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng.

Tính đến tháng 5/2023, hầu hết thủ tục hành chính được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) toàn trình với 1.797 DVCTT (chỉ có 4,5% TTHC cung cấp mức độ 2 do vướng các quy định khác nhau). Trong năm 2022, thành phố Đà Nẵng có 96% DVCTT có phát sinh hồ sơ (vượt chỉ tiêu quốc gia năm 2022 là 80%); tỷ lệ hồ sơ DVCTT là 78% (vượt chỉ tiêu quốc gia năm 2022 là 50%).

Điểm đột phá trong thúc đẩy sử dụng DVCTT của Đà Nẵng là người dân sử dụng tài khoản công dân điện tử, đăng nhập 01 lần vào nền tảng công dân số; chỉ cung cấp thông tin trong lần đầu, các lần sử dụng dịch vụ kế tiếp sẽ được kế thừa thông tin. Người dân có thể dễ dàng đăng ký tài khoản công dân điện tử (tạm thời, ban đầu) qua nhiều phương thức: Tin nhắn điện thoại SMS hoặc qua Zalo. Với những tiện ích như vậy, đến nay, gần 50% dân số trong độ tuổi trưởng thành ở Đà Nẵng đã có Tài khoản công dân điện tử /Tài khoản công dân số.

Cổng TTĐT Bộ TT&TT trân trọng giới thiệu bài trình bày của ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng.
 

Gần 100% TTHC được cung cấp dưới dạng DVCTT toàn trình

Từ năm 2019, Đà Nẵng đã triển khai xây dựng Cổng dịch vụ công dưới dạng lõi, đáp ứng các tiêu chí về kỹ thuật (thanh toán, ký số, hẹn giờ, định nghĩa eform động …), kết hợp chuyển phát bưu điện công ích … nên việc triển khai thuận lợi và từng bước đơn giản hóa để bảo đảm hiệu quả cho tổ chức, cá nhân tiếp cận dịch vụ công trực tuyến của thành phố.

Tính đến tháng 5/2023, hầu hết thủ tục hành chính được cung cấp dưới dạng DVCTT toàn trình với 1.797 DVCTT (chỉ có 4,5% TTHC cung cấp mức độ 2 do vướng các quy định khác nhau); hiện tại cũng đã tích hợp được 1.635 DVCTT lên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Trong năm 2022, thành phố Đà Nẵng có 96% DVCTT có phát sinh hồ sơ (vượt chỉ tiêu quốc gia năm 2022 là 80%); tỷ lệ hồ sơ DVCTT là 78% (vượt chỉ tiêu quốc gia năm 2022 là 50%). Tính riêng tháng 5/2023, số lượng hồ sơ trực tuyến là 19.989 hồ sơ trên tổng cộng 22.693 hồ sơ, đạt tỷ lệ 80%.

Để đạt được kết quả như trên, các cơ quan thành phố Đà Nẵng đã sớm triển khai và liên tục rà soát, cập nhật đơn giản hóa quy trình và tăng cường các giải pháp đa kênh để người dân, doanh nghiệp thuận lợi sử dụng DVCTT, cụ thể:

Một là, người dân sử dụng tài khoản công dân điện tử, đăng nhập 01 lần; chỉ cung cấp thông tin trong lần đầu, các lần sử dụng dịch vụ kế tiếp sẽ được kế thừa thông tin.

Để thuận tiện cho người dân, Hệ thống cho phép người dân dễ dàng đăng ký tài khoản công dân điện tử (tạm thời, ban đầu) qua nhiều phương thức: Tin nhắn điện thoại SMS hoặc qua Zalo để đăng nhập nộp hồ sơ và tiếp theo sẽ bổ sung thông tin đầy đủ 01 lần khi nộp hồ sơ lần đầu.

Năm 2021, Đà Nẵng triển khai Nền tảng công dân số, từ đó nâng Tài khoản công dân điện tử lên Tài khoản công dân số; theo đó, mỗi người dân có 01 kho dữ liệu số trên hệ thống; gắn mới mã QR duy nhất theo quy chuẩn quốc gia.

Tài khoản công dân số cho phép người dân không chỉ kế thừa lại thông tin hành chính của cá nhân mà còn sử dụng lại các giấy tờ, hồ sơ số trong sử dụng DVC thuận tiện hơn.

Đến nay, gần 50% dân số trong độ tuổi trưởng thành đã có Tài khoản công dân điện tử /Tài khoản công dân số.

Hai là, đưa gần 100% TTHC lên mức 4, toàn trình.

Thông qua việc triển khai các chức năng cho phép người dân ký số giấy tờ, hồ sơ trước khi nộp; số hoá kết hồ sơ TTHC khi cán bộ một cửa nhận hồ sơ; kết hợp với sử dụng tài khoản/kho dữ liệu công dân số, giúp người dân không phải đem hồ sơ giấy lên cơ quan thẩm quyền nộp... từ đó nâng hầu hết DVCTT lên mức toàn trình.

Từ cuối năm 2022, Sở TT&TT thành phố Đà Nẵng đã phối hợp với Trung tâm chứng thực quốc gia (NEAC) tích hợp chữ ký số công cộng trên Cổng dịch vụ công và hiện nay đang phối hợp với NEAC và Câu lạc bộ CA công cộng triển khai cấp phát chữ ký số miễn phí để người dân sử dụng DVCTT (thay vì mua/thuê chữ ký số như lâu nay).

Đà Nẵng đặt mục tiêu năm 2023 người dân khi làm DVCTT được cấp chữ ký số miễn phí (phấn đấu trong năm 2023 có 20% dân số có chữ ký số công cộng).

Ba là, triển khai mô hình "Đại lý DVCTT".

Ngoài người dân, doanh nghiệp trực tiếp nộp hồ sơ trực tuyến tại nhà; Thành phố triển khai nhiều mô hình hướng dẫn người dân nộp hồ sơ trực tuyến, trong đó có mô hình "Đại lý DVCTT". Đó là, các Bưu cục tại từng xã, phường làm "Đại lý DVCTT" để hỗ trợ người dân nộp hồ sơ trực tuyến; Tổ công nghệ số cộng đồng tổ chức ngày hội DVCTT vào cuối tuần để hỗ trợ nộp hồ sơ trực tuyến cho bà con ở khu dân cư; bố trí Đoàn thanh niên tại Một cửa quận huyện/xã phường để hỗ trợ. Riêng Một cửa cấp Thành phố (một cửa Sở ngành) bố trí 02 viên chức thuộc Trung tâm Thông tin và Giám sát, điều hành thông minh Đà Nẵng (Trung tâm IOC) để hỗ trợ, hướng dẫn người dân để tạo tài khoản và nộp hồ sơ DVCTT lần đầu.

Bốn là, sử dụng kết quả TTHC số để huỷ/bỏ những TTHC không cần thiết.

Từ tháng 7/2022, Đà Nẵng đưa vào sử dụng Kho dữ liệu hồ sơ thủ tục hành chính số có chức năng tự động nhận kết quả TTHC phát sinh mới từ Phân hệ Một cửa điện tử; cho phép các cơ quan thực hiện số hoá kết quả TTHC cũ đưa lên Kho.

Bắt đầu từ tháng 4/2022, các cơ quan rà soát, ban hành lại Bộ TTHC số theo hướng sử dụng lại kết quả TTHC số trong Kho, tiến đến huỷ bỏ 190 TTHC (chiếm 10% tổng TTHC thành phố) về cấp lại.

Việc giảm 10% TTHC tiết kiệm chi phí, công sức cho người dân và cả cán bộ, công chức thụ lý xử lý hồ sơ của các cơ quan. Đặc biệt, dựa trên dữ liệu số để giảm bớt TTHC cũng là điểm khác biệt của Chính quyền số so với chính quyền điện tử.

Năm là, sử dụng kết quả TTHC số, kết hợp với gắn mã QR cho phép cung cấp "DVCTT nâng cao".

Đối với các TTHC cần có kiểm tra, giám sát được gắn mã QR và người dân chỉ cần dùng điện thoại để xuất trình thuận tiện (không cần công chứng, giữ và trình bản giấy). Cán bộ, công chức kiểm tra chỉ cẩn dùng App trên điện thoại (app Danang Smart city) để quét xác thực, kiểm tra; đồng thời thông tin kiểm ra được lưu vết trên Hệ thống để các Cơ quan giám sát việc thực thi công vụ, đi hiện trường của cán bộ, công chức mình.

Sáu là, triển khai các chính sách thúc đẩy, tăng số lượng DVCTT

Từ năm 2019, UBND thành phố đã ban hành chính sách giảm thời gian xử lý hồ sơ trực tuyến để khuyến khích người dân sử dụng. Trong đó, giao các cơ quan giảm thời gian xử lý đến 50% đối với DVCTT so với xử lý hồ sơ trực tiếp; buộc các cơ quan nhà nước phải sử dụng DVCTT của cơ quan khác, không được nộp hồ sơ trực tiếp; giao chi tiêu DVCTT cho từng cơ quan; chịu chi phí chuyển phát nộp hồ sơ, kết quả cho công dân qua bưu điện,...

Hiện nay, Sở TT&TT đã xây dựng và lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết của HĐND thành phố về chính sách giảm phí, lệ phí đối với việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn thành phố, trình HĐND thành phố trong tháng 06/2023./. 

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

cds2
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây