Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn huyện Phú Ninh giai đoạn 2023-2025

Thứ hai - 17/07/2023 15:00
Ngày 12/7/2023, UBND huyện ban hành Kế hoạch số 178/KH-UBND về việc triển khai phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) trên địa bàn huyện Phú Ninh giai đoạn 2022 - 2025.

Thông qua việc triển khai thực hiện các nội dung tại Kế hoạch này, nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn huyện, đưa việc sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong xã hội thành thói quen của người dân; giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt. Ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng thanh toán, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, đáp ứng nhu cầu thanh toán một cách thuận tiện, hiệu quả của tổ chức, cá nhân. Đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng và hiệu quả quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước, minh bạch hoá các giao dịch thanh toán trong nền kinh tế, góp phần vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tội phạm kinh tế.

          UBND huyện đặt ra mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2025thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%. Mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ, các cơ sở sản xuất, kin doanh, các cửa hàng xăng dầu và các tổ chức kinh tế: Tỷ lệ hộ tiểu thương tại các chợ sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt (QR code, VN Pay,…) đạt trên 30%; tỷ lệ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các tổ chức kinh tế trên địa bàn huyện sử các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt (QR code, VN Pay,…) đạt trên 60%; 100% các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn huyện có sử phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.

          Đối với dịch vụ công, mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt từ 90-100% cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện chấp nhận thanh toán học phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. 60% các cơ sở khám, chữa bệnh y tế công lập trên địa bàn huyện chấp nhận thanh toán dịch vụ y tế bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. 60% số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp được chi trả thông qua các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Tỷ lệ hộ gia đình thanh toán các dịch vụ qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đạt 30% đối với tiền nước, 50% đối với tiền điện và tiền dịch vụ viễn thông. 100% doanh nghiệp và 30% hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai thực hiện nộp thuế qua các hình thức không dùng tiền mặt.

image001

Khuyến khích hợp tác phát triển dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt giữa các tổ chức tài chính, ngân hàng thương mại với doanh nghiệp viễn thông

Đối với các lĩnh vực khác, mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt: 100% sản phẩm OCOP tham gia các ứng dụng truy xuất nguồn gốc, thương mại điện tử chấp nhận thanh toán bằng phương thức không dùng tiền mặt. 100% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn chấp nhận thanh toán giá dịch vụ bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; 100% doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể... kinh doanh thuộc lĩnh vực giao thông vận tải trên địa bàn chấp nhận thanh toán bằng phương thức không dùng tiền mặt.

          Để đạt được các mục tiêu trên, Kế hoạch đưa ra 6 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể gồm: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, đào tạo và bảo vệ người tiêu dùng trong thanh toán không dùng tiền mặt; triển khai đồng bộ, quyết liệt các cơ chế, chính sách; nâng cấp phát triển hạ tầng và dịch vụ thanh toán hiện đại; phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại, ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0; đẩy mạnh thanh toán điện tử trong dịch vụ hành chính công; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán và tăng cường phối hợp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

          Trong đó, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, đào tạo về thanh toán không dùng tiền mặt cho tất cả các hoạt động có thanh toán, chi trả tiền. Đặc biệt, hướng tới nhóm đối tượng mục tiêu là những người chưa có tài khoản ngân hàng, học sinh, sinh viên, người tiêu dùng ít có cơ hội tiếp xúc công nghệ; doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh cá thể… Đa dạng các hình thức tuyên truyền, hướng dẫn, đào tạo về thanh toán không dùng tiền mặt phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể.

          Đồng thời, các tổ chức tín dụng, các đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán và trung gian thanh toán chủ động tham mưu với đơn vị cấp trên nâng cấp và phát triển hạ tầng thanh toán; ứng dụng các phương thức thanh toán hiện đại trong hoạt động. Phát triển hệ thống tài khoản thanh toán điện tử góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là đối với lĩnh vực thương mại điện tử. Khuyến khích triển khai các hình thức miễn giảm phí, khuyến mãi, giảm giá... đối với khách hàng khi sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán hàng hóa, dịch vụ. Khuyến khích hợp tác phát triển dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt giữa các tổ chức tài chính, ngân hàng thương mại với doanh nghiệp viễn thông. Khuyến khích các doanh nghiệp viễn thông triển khai các giải pháp cung ứng (miễn phí hoặc có điều kiện) thiết bị thông minh (điện thoại, máy tính bảng...) cho các đối tượng là người nghèo, người già, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn,... tạo điều kiện để người dân có tài khoản thuê bao di động được tiếp cận dịch vụ internet và dịch vụ Mobile - Money.

          Đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4; tăng cường kết nối với cổng dịch vụ công quốc gia, hệ thống một cửa điện tử nhằm đơn giản hóa thủ tục và tạo điều kiện thanh toán điện tử đối với các khoản phí và lệ phí, thanh toán tiền điện, tiền nước, học phí, viện phí. Đẩy mạnh triển khai kết nối và cung cấp dịch vụ công trên cổng dịch vụ công Quốc gia; khuyến khích các trường học, bệnh viện, đơn vị cung cấp điện, nước, dịch vụ vệ sinh môi trường, viễn thông, bưu chính... phối hợp với ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán để thu học phí, viện phí, tiền điện... bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Thúc đẩy thanh toán điện tử trong các chương trình trợ cấp an sinh xã hội, chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp... Đẩy mạnh triển khai hóa đơn điện tử trên địa bàn; tăng cường kết nối thanh toán không dùng tiền mặt đến các đối tượng áp dụng hóa đơn điện tử.

          Tăng cường phối hợp, hợp tác giữa các phòng ban và đơn vị có liên quan trên địa bàn huyện để đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử. Tăng cường phối hợp giữa các Ngân hàng Thương mại và đơn vị viễn thông (Vinaphone, Mobifone, Viettel, FPT …) để triển khai hiệu quả Ví điện tử viễn thông (Mobile Money). Khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật và công nghệ thanh toán trên địa bàn.

                                                                                     

Nguồn tin: BBT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

cds2
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây